Sau khi Tổng thống Thái Anh Văn bày tỏ rằng Viện Lập Pháp nên cùng ngồi lại và thảo luận về dự luật Chống xâm nhập, trưa ngày 27/12, Viện Lập Pháp đã tổ chức buổi hiệp thương lần thứ nhất giữa các đảng phái. Mặc dù Đảng Dân tiến đã cho biết đồng ý sửa đổi đôi chút về định nghĩa “nguồn gốc xâm nhập”, thu hẹp phạm vi đối tượng phù hợp áp dụng, nhưng phía Đảng Quốc dân vẫn bày tỏ nghi ngờ rằng buổi hiệp thương này chỉ là “màn giải lao” mà thôi. Sáng ngày 27/12, người phát ngôn của Đảng Dân tiến bà Lý Yến Dung, người phát ngôn của Văn phòng tranh cử Tổng thống Thái Anh Văn ông Nguyễn Thiệu Hùng, ứng cử viên Ủy viên Lập pháp bà Tạ Bội Phân, ông Thái Mộc Lâm, cùng một số người khác đã cùng mở cuộc họp báo, kêu gọi các chính đảng đều phải thảo luận một cách lý trí.
Bà Lý Yến Dung nhấn mạnh, Luật Chống xâm nhập không phải là nhắm vào những người Đài Loan đang ở Trung Quốc như doanh nhân, cán bộ, sinh viên v.v., mà là nhắm vào những hành động vi phạm pháp luật, có hai yếu tố cơ bản để có thể cấu thành tội vi phạm Luật Chống xâm nhập, đó là tiếp nhận chỉ thị hoặc ủy thác bằng tiền bạc của phía Trung Quốc, đồng thời có những hành động gây rối nền dân chủ của Đài Loan, ví dụ như tiếp nhận và cung cấp tiền hỗ trợ cho mục đích chính trị, phá hoại hoạt động biểu tình hay lan truyền tin tức giả, can dự bầu cử, v.v., còn những hoạt động giao lưu giữa hai bờ eo biển thông thường thì thì không hề vi phạm vào Luật Chống xâm nhập.
Ông Nguyễn Thiệu Hùng cũng kêu gọi các Ủy viên Lập pháp hiện tại nên bày tỏ rõ ràng quyết tâm bảo vệ cho an toàn quốc gia của mình, nội dung của Luật Chống xâm nhập đương nhiên có thể thảo luận, nhưng đừng phản đối hoàn toàn. Còn về việc có người bày tỏ nghi ngờ rằng sắp tới đây Viện Lập pháp sẽ thay một nhiệm kỳ mới, tại sao lại không giao việc xét duyệt dự luật này cho những người đại diện dân ý mới quyết định, ông Nguyễn Thiệu Hùng đã trả lời rằng Quốc hội nhiệm kỳ sau sẽ khó mà có thể thảo luận một cách lý trí, ông nói: “Khi nhiệm kỳ sau của Viện Lập pháp có những người như Ngô Tư Hoài, Khưu Nghị, thì làm sao chúng ta có thể đảm bảo rằng những điều khoản này sẽ được thảo luận một cách lý trí? Cho nên chúng tôi thực sự kêu gọi mọi người đừng kỳ vọng rằng Ngô Tư Hoài và Khưu Nghị sẽ đứng cùng chuyến tuyến với chúng ta, đừng tự tìm đường kết liễu mình.”
Ngoài ra, Đảng Quốc dân cũng có ý kiến về định nghĩa “thế lực đối địch bên ngoài” trong Luật Chống xâm nhập, cho rằng định nghĩa này có liên quan đến tự do ngôn luận của người dân, và họ đã đặt ra câu hỏi: những điều luật liên quan đến việc vi phạm hiến pháp như thế có cần phải gộp chung lại điều chỉnh hay không? Về việc này, ứng cử viên Ủy viên Lập pháp bà Tạ Bội Phân chỉ ra, cụm từ “thế lực đối địch bên ngoài” đã tồn tại trong Luật Hình sự, Luật An ninh quốc gia, Luật Bảo vệ cơ mật quốc gia, chứ không phải là một từ mới, bà kêu gọi Ủy viên Lập pháp của Đảng Quốc dân hãy quay lại thảo luận thực tế về những điều luật được viết trong dự luật này.
Thúy Anh
Nguồn tin:RTI
Biên tập:Thúy Anh